Bỏng mắt là trường hợp cấp cứu trong nhãn khoa, bỏng có thể bị ở 1 mắt hoặc bị cả 2 mắt. Việc sơ cứu không đúng cách ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị tiếp theo và có thể để lại di chứng nặng nề.
- Bỏng mắt có thể gây tổn thương cả mi mắt cũng như kết giác mạc và tổ chức nội nhãn làm cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Tiên lượng bệnh thường dè dặt có thể gây mù không hồi phục. Thái độ xử trí ban đầu và chăm sóc người bệnh bỏng mắt giúp nhiều đến tiên lượng của bệnh.
- Bỏng mắt do nhiều nguyên nhân gây ra. Bỏng có thể do hóa chất (axit, bazơ hay vôi) thường xảy ra trong công nghiệp, phòng thí nghiệm, trong sinh hoạt và công việc hàng ngày. Ngoài ra chúng ta còn gặp các nguyên nhân gây bỏng mắt khác như bỏng mắt do nhiệt, bỏng mắt do kim loại nóng chảy, bỏng mắt do các tia như tia cực tím, bỏng mắt do hàn,...
Các triệu chứng cần lưu ý
- Để giúp chăm sóc mắt được chu đáo cần nắm được một số dấu hiệu và triệu chứng chính của bỏng mắt:
• Đau rát mắt, khó mở mắt, chảy nước mắt nhiều;
• Nhìn mờ hoặc không nhìn thấy gì;
• Mi mắt bỏng các mức độ, đặc biệt bờ mi, có thể điểm lệ cũng bị tổn thương.
Khám mắt:
- Kết mạc có thể gặp: cương tụ, phù kết mạc, chấm xuất huyết xung quanh rìa, xuất huyết dưới kết mạc, thiếu máu kết mạc.
- Giác mạc có thể mờ đục nhẹ, có thể tuột biểu mô giác mạc hay nặng hơn là giác mạc mờ đục thậm chí đục trắng sứ, nên không thấy mống mắt, thể thủy tinh bên dưới.
- Có phản ứng với màng bồ đào: tyndal (+), dính mống mắt, có thể tăng nhãn áp.
- Đo độ pH xác định tính chất bỏng là axit hay bỏng kiềm.
- Toàn thân người bệnh mệt mỏi, lo lắng, hoảng hốt.
- Nếu bỏng nặng phối hợp với bỏng toàn thân có diện tích bỏng rộng có thể gây sốc.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng trong bỏng mắt giúp xác định các tổn thương phối hợp và tiên lượng bệnh. Chúng bao gồm đo thị lực, đo nhãn áp (có thể đo nhãn áp hơi hoặc icare, nếu giác mạc tổn thương rộng có thể siêu âm, chụp Xquang mắt để xác định tổn thương phối hợp như dị vật nội nhãn).
- Chăm sóc người bệnh bỏng mắt ngay khi bị bỏng mắt cần rửa mắt bằng nước sạch, thời gian từ 15-20 phút.
Xử trí: Phải xử trí thật khẩn trương, đúng đắn thì mới có thể bảo tồn được chức năng sinh lý của mắt. Tiên lượng mắt bị bỏng phụ thuộc rất nhiều vào cách xử trí cấp cứu ban đầu.
Điều trị bỏng mắt phải tuân theo nguyên tắc sau đây:
• Loại bỏ chất gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa ngay bằng nước sạch.
• Chống đau.
• Chống nhiễm khuẩn (dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân).
• Chống dính (tra thuốc mỡ, không băng).
• Dinh dưỡng ở kết giác mạc.
Điều trị và chăm sóc
- Rửa mắt, cần tiến hành càng sớm càng tốt nhằm loại trừ chất gây bỏng, làm loãng và làm giảm độc tố chất gây bỏng.
• Ở tuyến cơ sở: Tiến hành rửa mắt ngay sau khi bị bỏng, bằng bất kỳ nước gì miễn là nước sạch như nước cất, nước máy, nước giếng... rửa nhanh, rửa nhiều và kéo dài. Thời gian rửa ít nhất từ 15-20 phút.
• Ở tuyến chuyên khoa: Những thông tin sau đây cần được khai thác và ghi đầy đủ vào hồ sơ bệnh án: Tác nhân gây ra bỏng là loại gì; ngày, giờ, hoàn cảnh xảy ra bỏng; đã điều trị gì trước khi đến khám chưa?
- Khi rửa mắt, có thể tra thuốc tê trước khi rửa mắt và lấy dị vật kết giác mạc, giúp giảm đau nhờ đó người bệnh phối hợp tốt hơn. Cần đo độ ph trước rửa để xem người bệnh bỏng acid hay bỏng kiềm. Sau khi rửa cũng cần đo độ ph rồi mới thực hiện thuốc theo y lệnh. Nếu pH chưa trung tính cần tiếp tục rửa mắt bằng dung dịch đẳng trương đến khi pH = 7. Chú ý nếu bỏng vôi cục phải gắp hết vôi cục mới được rửa mắt (trước khi lấy vôi cục tuyệt đối không được tra bất kỳ thuốc gì kể cả thuốc gây tê), sau đó rửa bằng dung dịch glucose 30%. Glucose có tác dụng với hydroxyt calci tạo thành hợp chất calci gluconat không hòa tan làm mất tác dụng gây bỏng của vôi.
- Chống dính, chống nhiễm trùng: dùng thuốc nước, thuốc mỡ, kháng sinh và kháng sinh toàn thân theo phác đồ điều trị.
- Không băng mắt.
- Hướng dẫn người bệnh tập liếc mắt để chống dính mi cầu. Tách dính bằng que thủy tinh, mỡ kháng sinh khi có dính mi cầu.
- Dùng thuốc giảm đau và an thần.
- Dùng thuốc tăng cường dinh dưỡng.
- Người bệnh cần thực hiện đúng chế độ ăn uống: không uống rượu, trà đặc, cà phê, thuốc lá, không ăn các chất cay, nóng gây kích thích.
- Để điều trị đạt hiệu quả, người bệnh và người nhà cũng cần trao đổi với thầy thuốc để nắm được tiến triển bệnh và những biến chứng có thể xảy ra, biện pháp phòng biến chứng, yên tâm, tin tưởng và phối hợp tốt với nhân viên y tế trong điều trị bệnh.
Phòng ngừa bỏng mắt
• Cần có ý thức phòng chống tai nạn bỏng mắt.
• Đối với những người làm nghề có nguy cơ bỏng cao phải được trang bị đồ dùng bảo hộ lao động và chấp hành tốt các nội quy, quy định về an toàn lao động.
• Cải thiện điều kiện làm việc: nơi làm việc phải thoáng khí, đủ ánh sáng, đủ rộng, không quá chật chội.
• Cần phải chẩn đoán, xử trí, chăm sóc kịp thời trong giai đoạn sơ cứu, cấp cứu.
(Nguồn: vnio.vn/bong-mat-cach-phong-tranh-va-dieu-tri)